Ông “Hoàng Cầm bếp” - Ông “Hoàng Cầm tướng” - Ông “Hoàng Cầm thơ”.

Đông xuân 1953-1954, Điện Biên Phủ - một địa danh bình thường miền biên viễn Tây Bắc Tổ quốc trở thành điểm hẹn của nhiều binh đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng… của ta trong trận quyết chiến chiến lược với quân đội xâm lược Pháp. Điều rất thú vị là tham gia chiến dịch có ba người lính cùng tên Hoàng Cầm và đều để lại những dấu ấn lịch sử đặc biệt.

1. Hoàng Cầm cùng bếp Hoàng Cầm đi chiến dịch

Là con một gia đình nông dân nghèo ở làng Cát Nội, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Hoàng Cầm sớm bỏ quê lên phố thị mưu sinh. Năm 1936, tròn 20 tuổi, Hoàng Cầm học nghề đầu bếp, rồi làm thuê cho cửa hàng cơm Văn Phú, phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia Tự vệ thành Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoàng Cầm nhập ngũ, trở thành chiến sĩ nuôi quân. Năm 1951, cùng đơn vị tham gia chiến dịch Hoang Hoa Thám, với thành tích bảo đảm cho bộ đội, đặc biệt là thương - bệnh binh đủ thực phẩm tươi sống, cơm ngon, canh ngọt.

Trong chiến dịch Hòa Bình đông xuân 1951-1952, Hoàng Cầm đã có sáng kiến làm bếp không khói, phục vụ Đội điều trị Đại đoàn 308, góp phần bảo đảm bí mật cho đơn vị trong chiến đấu. Sau đó, bếp không khói được phổ biến áp dụng ở nhiều đơn vị có hiệu quả, nên tháng 10-1952, bếp được mang tên ông - bếp Hoàng Cầm.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm được sử dụng rộng rãi từ các đơn vị công binh, thanh niên xung phong mở đường, các đơn vị bộ đội hành quân đi chiến dịch… Bếp được sử dụng đun nấu hằng ngày nhưng không có khói,  máy bay địch khó phát hiện.

Khi chiến dịch mở màn, bộ đội đào bếp Hoàng Cầm ngay tại trận địa để bảo đảm cho bộ đội có cơm nóng, nước sôi… vẫn không bị lộ.

Hoàng Cầm tham gia chiến dịch trên cương vị Tiểu đội trưởng Tiểu đội cấp dưỡng Đội Điều trị Đại đoàn 308 (đặt tại Hồng Lếch). Suốt chiến dịch, Hoàng Cầm đã cùng Tiểu đội cấp dưỡng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ thương bệnh binh và cán bộ, chiến sĩ Đội điều trị.

Kết thúc chiến dịch, ông được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và Huân chương Chiến thắng hạng Ba.

2. Hoàng Cầm nhà thơ đọc thơ mừng chiến thắng Điện Biên

Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922 tại xã Phúc Tăng, nay là phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nhưng quê gốc ông là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bùi Tằng Việt xuất thân trong gia đình nhà Nho. Năm 1938, ông ra Hà Nội học Trường Thăng Long; năm 1940 đỗ Tú tài toàn phần. Sau khi ra làm nghề văn, dịch sách cho Tân Dân xã của Vũ Đình Long, Bùi Tằng Việt lấy bút danh là Hoàng Cầm (vị thuốc đắng).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hoàng Cầm thành lập Đoàn kịch Đông Dương. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập Vệ quốc quân và hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Năm 1952, ông được cử làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, cùng các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Thành… tổ chức cho Đoàn Văn công phục vụ bộ đội, nhân dân vùng chiến khu, vùng tự do và đi phục vụ các chiến dịch.

Cùng với Đoàn Văn công đi chiến dịch Điện Biên Phủ phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong… với các ca cảnh nổi tiếng như “Chiến thắng Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”…, Hoàng Cầm còn viết nhiều bài thơ đăng trên Báo QĐND xuất bản tại mặt trận. Theo Đại tá, nhà báo kỳ cựu Lê Kim, thì bài thơ “Giữ lấy tuổi trẻ” của Hoàng Cầm có hai câu kết “…Anh ra trận đêm nay/ Bao quân thù gục xuống” được nhiều chiến sĩ thích, chép chuyền tay nhau…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối tháng 5-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức một bữa tiệc khao quân mừng thắng lợi. Gần 1.200 cán bộ từ Tiểu đoàn trưởng trở lên được mời dự tiệc. Nhà thơ Hoàng Cầm - Đoàn trưởng Đoàn Văn công cũng được mời dự. Tầm 5 giờ chiếu hôm đó, mọi người chuẩn bị khai tiệc, thì có một cán bộ đến đưa cho Hoàng Cầm mấy trang giấy đánh máy bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu, rồi dặn: Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gửi anh bài thơ này để anh ngâm trong bữa tiệc chiều nay.

Nghe anh cán bộ nói vậy, Hoàng Cầm liền mở mấy tờ giấy và thấy bên lề trang đầu bài thơ có dòng chữ viết tay của Đại tướng: “Anh Hoàng Cầm giúp tôi ngâm bài thơ này trong bữa tiệc chiều nay. Cảm ơn - Văn”.

Nhà thơ Hoàng Cầm đọc đi đọc lại cho thật thuộc bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ (có lời đề tặng đồng chí Võ Nguyên Giáp của nhà thơ Tố Hữu). Bữa tiệc diễn ra thật vui vẻ. Cỗ bàn rôm rả. Lời chúc mừng nhau râm ran, náo nhiệt đến cao trào thì nhà thơ Hoàng Cầm được giới thiệu lên đọc thơ theo yêu cầu của Đại tướng.

Trong hồi ức của mình, nhà thơ kể lại: Người giới thiệu dừng lời, ông chỉnh lại quân phục rồi đứng lên cất tiếng. Giọng thơ lúc vút cao, lúc lắng xuống, khi thong thả, khi bát ngát hào hùng… Có lẽ 8 năm làm công tác văn nghệ đi phục vụ chiến đấu…, ông chưa trình diễn bài thơ nào thành công, hay như bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”.

Thượng tướng Hoàng Cầm - Trung đoàn trưởng trong Chiến dịch

Thượng tướng Hoàng Cẩm tên khai sinh là Đỗ Văn Cẩm, sinh ngày 30-4-1920, trong một gia đình nông dân nghèo ở Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Sớm mồ côi cha mẹ, năm 12 tuổi, ông lưu lạc lên Hà Nội kiếm sống. Năm 21 tuổi, ông đi lính khố xanh cho chính quyền thuộc địa Pháp, sau đó đào ngũ.

Tháng 7-1945, Đỗ Văn Cẩm tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia Cứu quốc quân Hà Nội và lấy tên mới là Hoàng Cầm. Tháng 2-1947, Hoàng Cầm được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau khi gia nhập Quân đội, tham gia kháng chiến, Hoàng Cầm thuyên chuyển qua nhiều đơn vị, giữ nhiều chức vụ; đặc biệt trong chiến dịch Biên Giới thu đông 1950, Hoàng Cầm trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 Đại đoàn 312, đã chỉ huy tiểu đoàn tham gia đánh trận Đông Khê.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Cầm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.  Đợt 3 chiến dịch, Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ công đánh chiếm các điểm cao 505A, 505B - những cứ điểm án ngữ cuối cùng trước Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đánh chiếm những vị trí đặc biệt quan trọng đó, Trung đoàn 209 đã gặp phải sự phản kháng vô cùng quyết liệt của địch. Mặc dù phải chịu nhiều thương vong, tổn thất, nhưng đến chiều ngày 7-5, Trung đoàn 209 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một bộ phận của Đại đội 360 của Trung đoàn do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu đã tiến vào bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu, đã kịp thời có mặt tiếp nhận sự đầu hàng của địch và báo cáo Tư lênh Đại đoàn Lê Trọng Tấn: Tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của Pháp đã bị bắt. Đây là thời khắc đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Duy Hưng