CCB Bùi Minh Đức kể chuyện chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

CCB Bùi Minh Đức đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên. Ông chỉ đánh một trận duy nhất - trận chiến đấu đầu tiên và cũng là trận cuối cùng mà ông tham gia ở Điện Biên ấy đã khắc sâu trong tâm khảm ông. Kể với tôi về trận đánh đó, đôi mắt ông, nay chỉ một bên nhìn được, chợt như rực lửa.

Cuối năm 1953, ông Đức cùng 32 học viên của Trường thiếu sinh quân đang đi học ở Trung Quốc thì được lệnh về nước, biên chế vào Sư đoàn 308, tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Những ngày đầu, ông về huấn luyện tân binh, học bắn súng ở Đại đội 229, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88. Tiểu đoàn của ông là đơn vị dự bị nên chưa tham gia chiến đấu trận nào.

Trận đánh đầu tiên, và cũng là trận cuối cùng mà ông tham gia, là trận đánh ngày 18-3-1954.

Sáng sớm, ông Đức được đơn vị cử về hậu cứ lấy cơm. Trở lại trận địa, trong âm thanh chát chúa của tiếng súng rất gần, ông nghe rõ mệnh lệnh của Trung đội trưởng Tý: “Về vị trí chiến đấu ngay. Bắt đầu rồi”. Ông đặt vội sọt cơm vào hàm ếch giao thông hào, xách súng lao nhanh về tuyến hào của Tiểu đội. Ông khom lưng để tránh những làn đạn chiu chíu trên đầu. Đoạn giao thông hào này, ông và đồng đội vừa đào tối hôm trước. Phía bên dưới toàn đá nên có cố lắm cũng mới chỉ đào đến qua thắt lưng, ngang ngực thì trời tang tảng sáng nên phải dừng lại.

Lính dù của Pháp dàn hàng ngang, đã tiến rất gần, vừa đi vừa bắn, chỉ cách giao thông hào của các ông chừng 30-40m. Tình thế nguy hiểm cận kề nên ai cũng quyết tâm chiến đấu. Tổ ba người của ông lúc đó, gồm ông, Tiểu đội trưởng Lẫm và ông Thanh. Những tiếng hô chắc nịch của ông Lẫm vang đều trên trận địa, như tiếp sức cho các thành viên trong tổ. Rồi, không thấy tiếng Tiểu đội trưởng, quay sang, ông thấy ông Lẫm đã ngã xuống, người đầy máu. Ngay sau đó, ông Thanh cũng trúng đạn vào ngực, hi sinh tại chỗ.

Qua vài giờ đọ súng với địch, Tiểu đội ông, nhiều người đã hi sinh, nhiều người bị thương. Còn lại vài chiến sĩ vẫn quyết bám trụ. Các đồng chí bị thương vẫn trợ giúp đồng đội bằng cách lắp đạn vào băng và mở nắp lựu đạn cho anh em chiến đấu. Một mình ông Đức sử dụng hai khẩu tiểu liên. Bắn hết đạn khẩu này, ông lại di chuyển sang khẩu kiabắn tiếp.  

Khi đợt chiến đấu tạm lắng xuống, nhánh hào của Trung đội 2 chỉ còn lại ông Đức và ông Phương - y tá của Đại đội là còn lành lặn. Ông Phương cõng mấy thương binh nặng về phía sau xong thì địch mở đợt tấn công mới. Hai ông liên tục di chuyển trong các ngách hào, bắn trả địch.

Đang hướng về phía quân thù nhả đạn, chợt ông Đức nghe tiếng ông Phương: “Đức ơi, mình bị thương cả hai tay rồi”. Tim ông Đức nhói lên, đau xót. Ông động viên đồng đội: “Anh tạm lánh vào hàm ếch đi, để tôi tiếp tục chiến đấu”, rồi tiếp tục nã đạn về phía quân thù.

Quân địch bắn liền mấy quả đạn ĐKZ vào góc hào của ông Đức. Ông chợt thấy mắt phải đau chói và nóng ran vì bị một mảnh đạn găm trúng. Mắt trái cũng bị cát bắn vào, cay xè. Trời đất tối sầm lại. Sau vài giây quay cuồng, ông nghe tiếng địch reo hò xông lên. Ông vội gọi ông Phương: “Anh Phương, cố sức lại đây với tôi”. Với hai tay bị thương, ông Phương trườn lại phía góc hào có ông Đức. Ông Đức nén đau, nhanh chóng vạch ra phương án: “Tôi còn tay, tôi sẽ bắn. Anh còn mắt, anh quan sát, chỉ đường cho tôi”. Ông Đức vừa dứt lời thì ông Phương hô lớn: “Địch ở phía trước rất đông, bắn đi, Đức”. Ông Đức tì báng súng tiểu liên vào vai, lia đạn rồi quơ phải, quơ trái lấy những băng đạn khác thay vào.

Rất may là trước đó, khi anh em bị thương, ông Đức đã đi gom đạn để sẵn trong giao thông hào nên việc thay băng đạn lúc này cũng thuận lợi. Cứ như thế, ông Đức bắn theo chỉ thị của ông Phương, lúc thì hướng trước mặt, lúc bên phải, rồi bên trái… Không lâu sau, Đại đội 227 của Tiểu đoàn ra chi viện. Quân địch lập tức bị đẩy lùi. Nhưng ông Phương vì mất nhiều máu quá đã hi sinh. Trời quá trưa, mọi người đã rất mệt, vừa đói. Ông Đức được đồng đội dìu về. Qua vị trí ông để sọt cơm hồi sáng, có người cầm đưa cho ông một nắm. Nghe anh em nói chuyện, ông biết, số cơm còn lại rất nhiều. Có lẽ, số nắm cơm còn lại đúng bằng số anh em đã hi sinh. Nghĩ vậy, miệng ông Đức đắng ngắt, không nuốt nổi một miếng.

                                                                 Bài, ảnh: Hồng Linh, Xuân Mai