Thầy giáo Nguyễn Đình Côi (bên phải) cùng tác giả.

Một hôm, đang ngồi họp ở trường Nguyễn Đình Chiểu, bỗng tôi nghe văng vẳng tiếng nhạc cổ truyền vọng lại... Vốn là người mê nhạc dân tộc, họp xong tôi tìm đến, mới biết có lớp học đàn của các em khiếm thị. Giáo viên là một người luống tuổi giản dị, mặc bộ quân phục bạc màu, lưng đẫm mồ hôi, đang say sưa  bắt nhịp, thỉnh thoảng lại cầm đàn, bước thấp bước cao, lên làm mẫu, hướng dẫn các em học.  

         Lân la hỏi chuyện tôi mới biết anh tên là Nguyễn Đình Côi, nhà ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Anh kể: Anh học Trường âm nhạc Việt Nam, (nay là Nhạc viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Học xong, anh xung phong đi bộ đội, sau thời gian ở đơn vị chiến đấu, thì được cử về Đoàn văn công Quân khu 3, làm đúng nghề mà anh đã học.

Năm 1972, trong một đợt vào chiến trường phục vụ bộ đội, thì bị máy bay Mỹ ném bom trúng đơn vị. Anh bị thương vào bả vai rất nặng phải chuyển ra Bắc điều trị, nhưng vết thương để lại di chứng xuống cả một bên chân khiến đi lại khó khăn, nên xuất ngũ, hưởng chế độ thương binh nặng.

         Về nhà mặc dù được bố mẹ, các em tận tình chăm sóc, nhưng anh vẫn không vượt qua được những bi quan, buồn tủi, nên chỉ quanh quẩn trong nhà, càng ngày càng có tâm lý ngại tiếp xúc với mọi người... Rồi một hôm, ở phường bạn, cũng có một thương binh biết anh, đã đến chơi, luôn an ủi động viên... Anh bạn nói: "Chả nhẽ cậu cứ sống những ngày vô ích thế này mãi à? Dù sao thì chúng mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những đồng đội hy sinh, đến nay còn chưa tìm được cả hài cốt... Hãy ngẩng đầu lên làm một việc gì đó có ý nghĩa...".

Nghe lời đồng đội, anh Côi nghĩ mãi, nhưng vẫn không biết làm gì! Rồi anh chợt nhớ có một hôm, Đảng bộ tổng kết năm, trong ít phút văn nghệ đầu cuộc họp anh thấy trên sân khấu xuất hiện 2 cháu khiếm thị học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu độc tấu nhạc cụ dân tộc, nhìn thật cảm động. Trường Nguyễn Đình Chiểu cách nhà anh khoảng hơn 1km, anh có thể đi bộ được; các cháu lại có cùng hoàn cảnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Thế là anh quyết định ra trường xin dạy đàn từ thiện cho các cháu. Như vậy là đã mang niềm vui cho cả thày và trò.  

         Từ ấy, anh trở thành một thầy giáo dạy nhạc cụ, không thể dứt các cháu ra được. Hết lớp này đến lớp khác đã gắn bó với anh như con cháu trong nhà. Anh còn sáng tác được một số bài độc tấu nhạc cụ dân tộc bằng những giai điệu mang đậm sắc thái dân gian ngọt ngào, sâu lắng; chọn, đào tạo  được một số em chơi đàn tương đối thành thạo, đi biểu diễn từ thiện ở Trại thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và một số tổ chức chính trị, quần chúng khác tại các quận, huyện trong T.P Hà Nội.

Đi đến đâu, chương trình văn nghệ của các cháu cũng gây sự xúc động và mến mộ của người xem. Đúng như một CCB tại quận Hoàng Mai xem xong buổi biểu diễn của các cháu, đã ôm chặt anh Côi, nói: "Các cháu đã đem lại cho chúng tôi một giai điệu yêu thương da diết đậm đà bản sắc dân tộc". Còn Côi thì thầm cảm ơn người bạn năm nào đã có những lời khuyên chân tình giúp anh “sáng mắt, sáng lòng”.

Quốc Anh