Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, T.Ư Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) và chỉ định đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác làm Đoàn trưởng. Thực hiện quyết định trên, một cuộc vận động tuyển quân với quy mô lớn và dài ngày diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Những người trúng tuyển được tập kết tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau khi sắp xếp tổ chức và chuẩn bị, hai đội 34-40 với 40 đại đội, 8.000 cán bộ, đội viên hành quân lên Tây Bắc; các đội 36-38 với 20 đại đội, 4.000 quân hành quân lên Việt Bắc. Thời điểm đó, tôi được giao chức vụ Đội phó Đội 30-40.

Đến Tết Giáp Ngọ (1954) các đơn vị TNXP có mặt tại Sơn La, được ông Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Chủ nhiệm Cung cấp chiến dịch Điện Biên Phủ và Ban Chỉ huy Đội 30-40 giao nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm giao thông thông suốt trong chiến dịch; xác định Pháp sẽ dùng máy bay đánh phá các con đường số 6 và 13 để cắt đứt việc vận chuyển của ta ra mặt trận, phải bằng mọi giá bảo đảm cho việc cung cấp đạn dược, lương thực, thực phẩm không bị ngừng. Thực hiện nhiệm vụ, Ban chỉ huy TNXP đi khảo sát, xác định các điểm địch có thể đánh phá, để bố trí lực lượng, đặc biệt ở ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin.

         Ngày 13-3-1954, ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ thì địch huy động hàng trăm máy bay oanh tạc các khu vực: Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin…; có ngày chúng sử dụng 69 lượt máy bay B26, B29. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị TNXP bằng ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, kiên cường bám trụ phá bom, san lấp hố bom, nối đường giao thông chỉ với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, choòng, xà beng, xe cút kít, gồng gánh; thường thì sau 5-7 giờ thì đường được thông.

         Để san lấp được hố bom trước hết phải phá bom và đây là việc hết sức nguy hiểm đòi hỏi tinh thần vượt khó, vượt khổ, sẵn sàng hy sinh và trước khi đi làm nhiệm vụ đơn vị thường tổ chức truy điệu sống. Được sự hướng dẫn của bộ đội công binh, các đội phá bom sẵn sàng xông vào những nơi nguy hiểm nhất; phát huy trí thông minh, sáng tạo tìm mọi cách phá các loại bom của địch. Các đồng chí Cao Xuân Thọ, Nguyễn Đức, Trần Cam, Trịnh Văn Huyền…, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương, Bằng khen; tuy nhiên cũng không tránh khỏi sự mất mát, hy sinh.

         Vào mua mưa, địch càng đánh phá dữ dội, việc bảo đảm giao thông càng khó khăn. Trước tình hình đó, ngày 8-4-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho TNXP; trong thư có đoạn viết: “…Một trong những âm mưu của địch là việc đánh phá đường vận tải của ta…Vì vậy nhiệm vụ chống phá hoại của địch, để bảo đảm đường sá… cũng như nhiệm vụ chiến đấu giết giặc ở mặt trận. Anh chị em cần nêu cao tinh thần xung phong anh dũng của người thanh niên Việt Nam, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn bảo đảm đường sá được thông suốt. Anh chị em cần tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy và giáo dục của Đảng và Hồ Chí Minh, xứng đáng với tinh thần hy sinh dũng cảm của anh chị em bộ đội ở tiền tuyến…”.

         Bức thư của Đại tướng là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với phong trào thi đua sổi rộng khắp trong 2 đội 34-40. Với khẩu hiệu “Bảo đảm giao thông là chống giặc, giao thông là mạch máu của ta, thề không bao giờ bế tắc”, bằng tất cả tinh thần và nghị lực, ý chí quyết chiến, quyết thắng đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch, bảo đảm đường sá thông suốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

         Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông, lực lượng TNXP cần tích cực tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, tải thương, chăm sóc thương binh…Nhờ sự nỗ lực của lực lượng TNXP cùng các lực lượng phối hợp, hàng ngàn thương binh được cứu chữa, vận chuyển tuyến sau an toàn.

         Ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có sự đóng góp của hàng nghìn cán bộ, đội viên TNXP và cũng có hàng trăm cán bộ, đội viên hy sinh. Trong suốt quá trình chiến dịch diễn ra, 8.000 TNXP đã chuyển sang bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Việc bảo đảm đạn dược, lương thực, thực phẩm cho Điện Biên Phủ là vô cùng quan trọng. Trong chiến dịch, nếu không có TNXP thì bộ đội gặp khó khăn. TNXP đã đưa tinh thần xung phong lên mặt trận. Tôi luôn coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ…”.

         Ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng trong đó có lực lượng TNXP, ngày 8-5-1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ dân công, TNXP và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang…”.

         Nhằm tôn vinh sự đóng góp to lớn của TNXP, Đảng, Chính phủ đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các lực lượng TNXP Điện Biên Phủ; các đồng chí Cao Xuân Thọ, Nguyễn Tiến Thụ, Trần Cam, Trịnh Văn Huyền được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tỉnh Sơn La xây tượng đài và khu tưởng niệm TNXP hy sinh tại ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn, để tri ân những cán bộ, đội viên TNXP đã vì Tổ quốc và đất nước hiến dâng tuổi thanh xuân; là địa chỉ để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nhất, là thế hệ trẻ có dịp qua đây thăm, viếng, thắp hương tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn thế hệ cha anh.

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Đảng với sự thỏa thuận của Trung Quốc, quyết định mở thêm một con đường từ Lai Châu (cũ) sang Vân Nam (Trung Quốc) để chủ động đối phó với quân Pháp quay lại Điện Biên Phủ. Đây là con đường chiến lược có ý nghĩa trước mắt và lâu dài phải làm gấp. Hai đội 34, 40 với 8.000 cán bộ, đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được lệnh cấp tốc hành quân lên biên giới Lai Châu - Trung Quốc để mở đường.

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, phong trào thi đua được phát động ngày đầu ra quân làm đường như ngày hội. Theo quy định của Ban chỉ huy,công trường 111 khởi công vào đầu tháng 10-1954.

Sau hơn 600 ngày lao động dũng cảm sáng tạo, không ngại gian khổ, hy sinh của hàng nghìn TNXP, con đường chiến lược mang tên 111 dài gần 100km xuyên rừng sâu vực thẳm, núi cao qua các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Lay, được hoàn thành. Ban Chỉ huy Công trường 111 tổ chức thông xe tới dự có đại diện Chính phủ, khu tự trị Thái Mèo, tỉnh Lai Châu và đồng bào các dân tộc… Năm 1957, con đường được bàn giao cho Ty Giao thông Lai Châu đưa vào khai thác giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, việc vận chuyển hàng hóa đi lại của người dân được thuận lợi, cuộc sống được cải thiện.…

70 năm đã qua nhưng những ký ức một thời TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và mở đường chiến lược Lai Châu - Vân Nam vẫn nguyên vẹn trong tôi. Mỗi một dịp kỷ niệm, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, tưởng nhớ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp;tưởng nhớ tri ân các đồng chí, đồng đội mình đã ngã xuống trên chiến trường Điện Biên.

Nguyễn Tiến Năng - Nguyên Đội phó Đội 34-40 TNXP Điện Biên Phủ, Nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng