CCB, Anh hùng Phạm Văn Lái.

Cứ đến gần ngày 30-4, các phóng viên báo chí lại tìm đến gặp Đại tá Trần Văn Bường để nghe ông kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày ấy, ông là Chính trị viên Đại đội 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 anh hùng; nhưng lần nào cũng thế, cứ kể về những chiến sĩ quả cảm, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để mở toang “cánh cửa thép Xuân Lộc”, cho Đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa 30-4-1975 lịch sử là dường như “hết thời gian”.

Hôm nay ông Bường lại kể về người chiến sĩ liên lạc của mình. Đó là Anh hùng LLVTND Phạm Văn Lái, quê xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ năm 1972 vào Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam). Trong Tổng tiến công mùa xuân 1975, Sư đoàn 341 phối thuộc Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ tấn công hướng đông bắc Sài Gòn, trong đó có thị xã Xuân Lộc. Đây là nơi quân ngụy dồn nhiều lực lượng tinh nhuệ, quyết tử thủ để bảo vệ sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Phạm Văn Lái tuy đang là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 9, nhưng qua nhiều trận đánh đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu kiên cường nên được cử làm tiểu đội trưởng.

Sự ác liệt ở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, nhiều người đã biết. Tiểu đội trưởng Lái cùng đơn vị giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố, đánh bật nhiều đợt tấn công tái chiếm. Đồng đội nhiều người bị thương và hy sinh, nhưng một mình ông vẫn kiên cường đánh trả. Khẩu súng AK trong tay ông bắn đỏ nòng, hết đạn, ông lấy súng địch diệt địch, buộc chúng phải rút lui.

Đại đội 9 được lệnh chuyến hướng tấn công, mải hăng say chiến đấu và tai bị ù đặc do tiếng nổ lớn từ bom thả xuống, ông không nghe được lệnh rút, vẫn chiến đấu với cả đại đội lính dù có xe tăng dọn đường. Tình cờ gặp 3 chiến sĩ bộ đội địa phương đầy đủ súng đạn, có cả súng B40, ông Lái lập tức thành lập tổ chiến đấu do ông chỉ huy. Đợi quân địch tới gần, cả tổ bình tĩnh dùng lựu đạn, AK, AR15, B40 nã vào đội hình địch. Chiến đấu suốt một ngày, quân địch bị tổn thất nhiều mà vẫn không chiếm được mục tiêu của tổ chiến đấu 4 người. Sang ngày hôm sau địch lại tấn công, một mảnh đạn M79 găm vào cánh tay, máu chảy nhiều nhưng ông vẫn không rời trận địa, bám trụ chiến đấu đến cùng.

Điểm danh thiếu Phạm Văn Lái, đơn vị cử một tổ trở lại tìm. Đến ngôi nhà hai tầng đầy vết đạn, thấy ông và 3  chiến sĩ vẫn nổ súng, dưới đường phố ngổn ngang xác giặc. Trận đó riêng ông Lái đã tiêu diệt 31 tên. Sau đó, đơn vị ông lại tấn công tiêu diệt căn cứ Hố Nai, Trảng Bom, sân bay Biên Hòa...

Tuy vết thương chưa lành nhưng ông Lái đã trốn Trạm quân y của Trung đoàn về đơn vị chiến đấu, rồi tiếp tục cùng Sư đoàn 341 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào Sài Gòn, trưa ngày 30-4. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, tháng 10-1976, Phạm Văn Lái được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, khi vừa tròn 24 tuổi. Ông là người đầu tiên của Sư đoàn 341 được phong tặng danh hiệu cao quý này. Cùng đồng đội làm nhiệm vụ quân quản ở thành phố mới giải phóng chưa lâu, đơn vị lại lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trong trận chiến đấu ở Hà Tiên, ông Lái bị thương và xin nghỉ mất sức.

Khoác ba lô về quê hương trong giai đoạn đất nước, quê nhà gặp nhiều khó khăn về kinh tế, CCB Phạm Văn Lái không cam chịu đói nghèo, một lần nữa quyết xứng danh anh hùng trên trận tuyến mới. Mặc dù mình đầy thương tích qua nhiều trận đánh, đơn vị làm Nhà tình nghĩa cho ông ngay tại thị xã Xuân Lộc để tĩnh dưỡng, nhưng ông Lái vẫn một mực từ chối, trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Nhà nghèo, đồng phụ cấp thương binh và mất sức không đủ nuôi vợ và 3 con nhỏ, ông cần mẫn cuốc cày trên vùng đất chua mặn. Nhiều lúc trái gió trở trời, vết thương hành hạ, lại thêm căn bệnh đau dạ dày liên miên, như thử thách bản lĩnh người lính dạn dày chiến trận. Với mấy sào ruộng khoán, đôi con bò, ông Lái nghĩ muốn vươn lên trong cuộc sống thì phải làm trang trại để cải thiện đời sống gia đình, không muốn làm gánh nặng cho xã hội. Được sự ủng hộ của xã, ông khai hoang cả ngọn đồi phía tây để trồng bạch đàn. Sớm hôm chăm sóc, qua 5 năm, đồi bạch đàn đã cho thu hoạch, góp phần tăng thu nhập, vậy là kinh tế tạm ổn, không để đồng đội lo lắng nữa. Các con của ông, đứa tiếp bước cha đi bộ đội, đứa làm công nhân, nay đều đã có gia đình và ổn định cuộc sống...

“...Tiếc là căn bệnh dạ dày quái ác đã làm ông vĩnh viễn xa gia đình và đồng đội...”. Mỗi lần kể đến đây, Đại tá Trần Văn Bường lại rơm rớm nước mắt, thương nhớ không nguôi người chiến sĩ của mình, một người anh hùng trong chiến đấu với quân thù và anh hùng trong chiến thắng đói nghèo.

Xuân Vui