Xe tăng M1 Abrams.

Do giá cả đắt đỏ và lo ngại bị lộ về công nghệ nên đến nay, Mỹ mới chuyển giao cho Ukraine 31 xe tăng Abrams phiên bản M1A1. Về phía Ukraine, do xem đây là “của quý, của để dành”, nên mãi đến ngày 23-2-2024, do cạn kiệt xe tăng sau các đợt giao tranh với quân Nga, quân đội nước này lần đầu tiên mới đưa loại xe này tham gia thực chiến tại khu vực Avdeevka (tỉnh Donetsk).

Chỉ sau đó 3 ngày, quân Nga công bố tiêu diệt chiếc M1 Abrams đầu tiên, nhờ sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để tập kích, sau đó kết liễu nó bằng một quả đạn chống tăng RPG. Đến nay, quân Nga đã phá hủy 6 chiếc Abrams, qua đó, làm tan vỡ “huyền thoại” về tính “bất khả xâm phạm” của loại xe tăng này.

Được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay, M1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực của lục quân Mỹ, mang tên cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Creigton Abrams (1914-1974). Với kíp lái 4 người, trọng lượng chiến đấu 67 tấn, dài 9,76m, rộng 3,65m, cao 2,88m, xe lắp động cơ AGT công suất 1.500 mã lực đa nhiên liệu kiểu turbine khí (tốn nhiều nhiên liệu hơn và toả nhiều nhiệt hơn so với động cơ piston). Với động cơ này, xe có thể đạt tốc độ 35 km/h chỉ sau 7 giây khởi động, tốc độ di chuyển cao nhất 72,421 km/h, tầm hoạt động 498km; có khả năng vượt được hào rộng 2,4m, lội nước 1,22m khi không được chuẩn bị và 1,98m khi có chuẩn bị.

Nhờ cấu hình thấp, mũi nhọn, thành xe có nhiều góc cạnh nên khi các loại đạn bắn vào xe tăng sẽ bị giảm hiệu lực do viên đạn bị trượt theo độ dốc của thân xe, nhất là đối với các loại đạn pháo có cỡ nòng dưới 125mm. Hơn nữa, vỏ bọc xe được sử dụng uranium nghèo nên có khả năng chống được các loại đạn pháo cỡ 125mm và các loại vũ khí chống tăng thông thường như B-40, B-41. Hệ thống chỉ huy được tự động hoá, các ăng-ten được kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép các thành viên trên xe và sở chỉ huy biết chính xác vị trí mà phương tiện đang tác chiến. Nhờ thiết bị nhận biết địch/ta và hệ thống báo động sớm, M1 Abrams có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 3.000m ban đêm và 1.200m trong điều kiện sương mù. Xe được trang bị pháo 120mm M256, súng máy phòng không 12,7mm M250, súng máy đồng trục 7,62mm M240, súng phóng đạn tạo khói… Với hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại bằng laser, xe có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách 1.850m bằng một viên đạn khi đang hành tiến với tốc độ 40km/h.

Khả năng thực chiến

Được đưa vào sử dụng trong lục quân Mỹ năm 1980, đến chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, xe tăng M1 Abrams đã thể hiện khả năng thực chiến. Trong trận đấu tăng quy mô lớn ngày 26-2-1991, 12 xe tăng M1A1 của Mỹ đã tiêu diệt 27 xe tăng, 18 bọc thép bộ binh và 30 xe tải của Iraq.

Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, quân đội Mỹ sử dụng cả loại xe tăng M1-A1 và M1-A2, tiêu diệt hàng trăm xe tăng Iraq trong hai đợt phản kích, thực hiện có hiệu quả các đợt đột kích vào các mục tiêu trong thành phố Baghdad. Tuy nhiên, phía Iraq cũng đã bắn cháy xe tăng M1 Abrams bằng tên lửa chống tăng Kornet-E, sử dụng súng B-41 bắn vào bánh xích làm mất khả năng cơ động chiến đấu của một số xe. Qua đây cho thấy, xe tăng M1 Abrams bộc lộ một số điểm yếu ở bộ phận tiếp giáp giữa tháp pháo với thân trước, phần xích, phần động cơ, phía sau và hai bên sườn mà một số vũ khí thông thường hiện nay có thể gây thương tích và làm mất sức chiến đấu nếu được sử dụng trong tầm bắn hiệu quả và góc bắn hợp lý.

Một số nghiên cứu đánh giá, tên lửa chống tăng thế hệ mới có khả năng tiêu diệt cao xe tăng Abrams (nhất là từ trên không, vì nóc xe có thiết diện rộng, vỏ thép phía trên mỏng hơn phía trước và hai bên sườn). Các loại pháo hiện đại hơn như pháo 125mm của xe tăng T-72, T-80 hoàn toàn có thể tiêu diệt được loại tăng này. Các loại vũ khí chống tăng thông thường (pháo chống tăng, pháo trên xe tăng, B-41) chỉ có thể làm mất khả năng chiến đấu của xe tăng nhưng không tiêu diệt được kíp chiến đấu. Các hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Konkurs-M, Metix-M, Krasnopol, Fagot; tên lửa chống tăng Sheksna (trang bị trên xe tăng T-72) và Refleks (9M119M trang bị trên xe tăng T-80)... cũng có thể tiêu diệt được Abrams.

Các chuyên gia cũng nghi ngờ việc xe tăng Abrams sẽ hoạt động hiệu quả trong quân đội Ukraine, vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tính năng kỹ thuật, khả năng tích hợp vào hệ thống vũ khí và khả năng được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng. Hơn nữa, xe tăng M1 Abrams quá nặng, khó có thể hành quân dễ dàng ở địa hình Đông Ukraine với hệ thống sông và cầu chằng chịt. Diễn biến mới nhất cho thấy tăng M1 Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ khó thay đổi cục diện chiến trường Ukraine.

         Duy Quang